Ký hợp đồng qua thư điện tử có được không?

Ký hợp đồng qua thư điện tử có được không?

Tôi ở nước ngoài, cho doanh nghiệp thuê nhà tại Việt Nam làm mặt bằng kinh doanh. Hợp đồng gửi qua email, được chúng tôi ký, đóng dấu và gửi bản scan, có hiệu lực không? (Thu Anh)

Luật sư tư vấn

Theo Điều 121, 122 Luật nhà ở năm 2014, hợp đồng thuê nhà bắt buộc phải được lập thành văn bản. Việc công chứng, chứng thực được thực hiện khi các bên có yêu cầu (pháp luật không bắt buộc).

Trong trường hợp các bên giao dịch qua hình thức điện tử thì phải đáp ứng các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Cụ thể, Điều 21 Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định:

1. Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký.

2. Chữ ký điện tử được xem là đảm bảo an toàn nếu chữ ký điện tử đó đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật này.

3. Chữ ký điện tử có thể được chứng thực bởi một tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử.

Như vậy, đối chiếu với các quy định nói trên thì việc mỗi bên chỉ ký hợp đồng sau đó dùng máy quét (scan) và gửi qua thư điện tử (email) cho bên kia thì không thoả mãn các quy định về giao dịch điện tử.

Trên thực tế, khi gửi bản hợp đồng scan, các bên cũng không thể xác định được chữ ký trong hợp đồng có phải do chủ thể đứng tên trong hợp đồng ký hay do người khác ký. Khi có tranh chấp, bản hợp đồng scan không thể được coi là chứng cứ để giải quyết.

Việc các bên ký hợp đồng qua hình thức này có thể bị tuyên vô hiệu, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Do vậy, trường hợp đương sự ở nước ngoài thì có thể ủy quyền cho người khác ở Việt Nam thay mặt họ ký hợp đồng thuê nhà tại Việt Nam.
 

Theo: Vnexpress