Hồ Côn Sơn: "Cha chung không ai khóc"

Hồ Côn Sơn: "Cha chung không ai khóc"
Hồ Côn Sơn: "Cha chung không ai khóc"

Hồ Côn Sơn có thể trở thành điểm du lịch nổi tiếng, hấp dẫn nếu được quan tâm đầu tư hạ tầng, phát triển các dịch vụ tại đây.


Hồ Côn Sơn hiện do 2 đơn vị quản lý nên chưa được khai thác hiệu quả

Hồ Côn Sơn ở phường Cộng Hòa (Chí Linh) đẹp thơ mộng, khí hậu mát mẻ, trong lành. Từ lâu, khu vực này được đánh giá có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Tiếc rằng cho đến nay việc đầu tư, khai thác hồ Côn Sơn vẫn chưa mang lại hiệu quả.
          
 Tiềm năng chưa được khai thác

Hồ Côn Sơn nằm bên trục đường từ quốc lộ 37 vào di tích Côn Sơn. Hồ này được tôn tạo từ năm 1998, rộng 43 ha. Bao quanh hồ có đường dạo, cây xanh. Hồ là nơi cung cấp nguồn lợi thủy sản, nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sự tồn tại của hồ này giúp cho cảnh quan khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc thêm hấp dẫn.

Năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thảo bàn giải pháp phát triển du lịch Hải Dương với TP Hồ Chí Minh và 6 tỉnh phía Bắc. Tham dự hội thảo này có nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu về du lịch. Lần đầu tới thăm, khảo sát tại khu vực hồ Côn Sơn, nhiều chuyên gia đã tỏ ra ấn tượng, không ngớt lời khen trước phong cảnh nơi đây. Họ chia sẻ trên cả nước có nhiều hồ đẹp nhưng thơ mộng như hồ Côn Sơn thì không nhiều. Hồ lại nằm gần khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc giàu giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nên có nhiều lợi thế để khai thác phát triển du lịch nếu được quan tâm đầu tư đúng hướng. Có chuyên gia nhận định hồ Côn Sơn hoàn toàn có thể trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng, hấp dẫn nếu tỉnh quan tâm mời gọi doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, phát triển các dịch vụ du lịch tại đây kết hợp quan tâm bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh sắc thiên nhiên, giá trị văn hóa...

Tuy nhiên đến nay, hồ Côn Sơn vẫn chưa được khai thác để phát triển du lịch như đúng tiềm năng vốn có. Nước ở hồ này cơ bản vẫn sạch nhưng đôi khi có rác. Xung quanh hồ ngoài phần đường dạo thông thoáng, còn lại cây cối khá rậm rạp, ít được cắt tỉa, cành cây, lá khô ngổn ngang, cỏ dại mọc nhiều làm mất mỹ quan. Cách hồ Côn Sơn không xa, một số hộ dân chăn nuôi gia cầm với số lượng lớn và trồng cây ăn quả. Nhiều người lo ngại lâu ngày chất thải chăn nuôi, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ngấm xuống đất, ăn vào mạch nước hồ Côn Sơn gây ô nhiễm. Nhiều khách du lịch về di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã chọn khu vực hồ Côn Sơn để cắm trại nấu nướng, ăn uống, nghỉ ngơi nhưng khi rời đi họ không dọn dẹp để lại rác thải. Rác thải không được thu dọn kịp thời, sau mỗi trận mưa rác lại trôi xuống hồ làm ô nhiễm nguồn nước... 


Nhiều khách du lịch sau khi cắm trại, nghỉ ngơi bên hồ Côn Sơn xả rác bừa bãi

 Nên giao một đơn vị quản lý

Qua tìm hiểu, có 2 đơn vị đang được UBND tỉnh giao quản lý hồ Côn Sơn. Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh quản lý hệ thống cơ sở vật chất Nhà khách hồ Côn Sơn, mặt nước và hệ thống giao thông xung quanh hồ với tổng diện tích gần 402.000 m2. Ban Quản lý rừng tỉnh quản lý khoảng 11 ha khuôn viên xung quanh hồ và một đảo nhỏ giữa hồ. Ngoài ra, những vùng phụ cận đang có người dân chăn nuôi gia cầm do UBND phường Cộng Hòa quản lý.

Ông Bùi Đoàn Thể, Giám đốc Ban Quản lý rừng tỉnh thông tin xung quanh hồ chủ yếu trồng keo tạo cảnh quan chứ không khai thác được gì về mặt kinh tế. Hằng năm đơn vị phải thuê khoán người dân địa phương phát tỉa, chăm sóc cây xanh... Do diện tích lớn, việc quản lý của người dân chưa thực sự tốt nên vẫn để cây cỏ dại mọc, lá khô, rác thải ngổn ngang khiến cảnh quan nơi đây bị ảnh hưởng không nhỏ. "Tôi đề xuất tỉnh nghiên cứu, xem xét nên giao cho một đơn vị quản lý hồ Côn Sơn sẽ tốt hơn", ông Thể nói.

Từ năm 2019, theo Quyết định của UBND tỉnh, Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh đã cho một doanh nghiệp thuê lại mặt nước hồ Côn Sơn để khai thác dịch vụ cho câu cá thuê. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu chỉ phát triển mỗi dịch vụ câu cá tại đây thì quá lãng phí, nên đầu tư thêm các dịch vụ khác như chèo thuyền, đạp vịt và một số dịch vụ ăn uống, giải trí tại đây. Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Nguyễn Minh Thúy cũng đồng quan điểm đề nghị tỉnh nghiên cứu, xem xét giao cho một đơn vị quản lý hồ Côn Sơn để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác. Một mặt kêu gọi doanh nghiệp đầu tư một số dịch vụ phù hợp với khu vực này. Một số ý kiến của đại diện Ban Quản lý Côn Sơn - Kiếp Bạc, TP Chí Linh cũng cho rằng hồ này nên giao cho một đơn vị sẽ tránh được tình trạng "cha chung không ai khóc".

Hồ Côn Sơn chưa khai thác được tiềm năng để phát triển du lịch là do nguồn lực của tỉnh còn hạn chế. Nhưng ngay cả khi tỉnh có mời được doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này thì việc phát triển hạ tầng, dịch vụ du lịch cũng không dễ vì hồ Côn Sơn nằm trong quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt. Muốn đầu tư phải được sự chấp thuận của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Theo quy hoạch tổng thể, trong tương lai tỉnh sẽ đầu tư xây dựng một đường rước từ tam quan chùa Côn Sơn chạy thẳng ra giữa hồ Côn Sơn dài 1,3 km. Bên phải con đường này sẽ xây dựng một trung tâm tổ chức sự kiện, lễ hội. Bên trái sẽ quy hoạch, phát triển các cửa hàng bán đồ lưu niệm. Nhiều dịch vụ du lịch khác cũng được phát triển... Tuy nhiên, tất cả vẫn còn ở phía trước và chưa biết đến bao giờ mới thực hiện được.

Trước mắt, trong trường hợp tỉnh chưa giao cho một đơn vị quản lý hồ Côn Sơn thì các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ, nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường khu vực hồ Côn Sơn.

Báo Hải Dương: Bình Minh